Sony dựa vào đâu khi mảng di động thua lỗ nặng nề, được đồn sẽ giải thể?
Hiện nay, điện thoại Sony không còn được bán chính hãng tại Việt Nam. Thậm chí, có tin đồn cho rằng công ty Nhật Bản sẽ rút lui khỏi thị trường di động. Tuy nhiên, là một tập đoàn lớn kinh doanh nhiều ngành nghề, việc smartphone trở nên kém sức hút không khiến họ gặp quá nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh chung.
Nhiều người biết đến Sony qua những chiếc máy nghe nhạc cầm tay Walkman hay TV Bravia. Bên cạnh đó, họ cũng là một tên tuổi lớn ở thị trường âm thanh hay thiết bị ghi hình. Đặc biệt, nếu là một game thủ, chắc chắn bạn phải biết Playstation – bộ máy chơi game gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ.
Trong bài viết này, chúng ta cùng “soi” chi tiết hơn vào bên trong để xem Sony kiếm tiền từ đâu nhé.
Hiện nay, quan trọng nhất với Sony là gì?
Dựa trên số liệu được nêu trong báo cáo tài chính của Sony năm 2018, bên dưới là bảng xếp hạng doanh thu các lĩnh vực mà họ đang tham gia (xếp từ cao xuống thấp):
1. G&NS (Trò chơi & Dịch vụ mạng).
2. Financial Services (Dịch vụ tài chính).
3. HE&S (Âm thanh & Giải trí tại gia).
4. Pictures (Phim ảnh).
5. Semiconductors (Bán dẫn).
6. Music (Âm nhạc).
7. IP&S (Thiết bị hình ảnh & Giải pháp).
8. MC (Truyền thông Di động).
Nếu xét theo lợi nhuận tạo ra, thứ tự sẽ thay đổi như sau:
1. Trò chơi & Dịch vụ mạng.
2. Dịch vụ tài chính.
3. Bán dẫn.
4. Âm nhạc.
5. Âm thanh & Giải trí tại gia.
6. Thiết bị hình ảnh & Giải pháp.
7. Phim ảnh.
8. Truyền thông Di động.
Như bạn có thể thấy trong 2 bản danh sách, mảng kinh doanh chủ lực của Sony là PlayStation – đóng góp nhiều nhất cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Bên cạnh đó, tài chính cũng đóng vai trò quan trọng không kém khi xếp ngay sau ở cả 2 tiêu chí.
Những bộ phận có đóng góp đáng kể
Bán dẫn được xem là một cái tên tiềm năng khi đứng đầu thị phần ở thị trường cảm biến hình ảnh CMOS – loại cảm biến được ứng dụng rộng rãi trên nhiều thiết bị điện tử bao gồm smartphone.
Nếu xét trên doanh thu mang về, bán dẫn chỉ xếp thứ 5, kém Âm thanh & Giải trí tại gia và Phim ảnh. Tuy nhiên, đây lại là đơn vị có tỉ suất lợi nhuận rất cao nên đã biến khoản doanh thu ít hơn thành lợi nhuận nhiều hơn để xếp thứ 3 về khả năng tạo ra lợi nhuận. Âm nhạc là trường hợp tương tự - xếp thứ 6 về doanh thu nhưng lợi nhuận lại vọt lên đứng thứ 4.
Những đơn vị có hiệu quả kinh doanh kém
Không phải cứ thu được nhiều tiền là bỏ túi nhiều tiền. Một số mảng kiếm tiền rất khá nhưng tiền ở lại thì không được bao nhiêu so với các đơn vị khác.
Chẳng hạn, 2 bộ phận Âm thanh & Giải trí tại gia và Phim ảnh lần lượt đứng hạng 3 và 4 về doanh thu nhưng khi xét đến lợi nhuận thì chỉ đạt hạng 5 và 7. Phim ảnh có thể xem như đơn vị đạt hiệu suất kém hơn cả khi xếp thứ 7 về lợi nhuận (kém xa mảng Âm nhạc) dù đứng thứ 3 về doanh thu.
Sony đầu tư vào đâu lãi nhất – lỗ nhất?
Trong trường hợp tham khảo hệ số hoàn vốn (ROIC), bảng xếp hạng của chúng ta sẽ thay đổi rất thú vị:
1. Trò chơi & Dịch vụ mạng (54.9%).
2. Thiết bị hình ảnh & Giải pháp (37.5%).
3. Âm thanh & Giải trí tại gia (37.4%).
4. Âm nhạc (36.1%).
5. Bán dẫn (14.6%).
6. Phim ảnh (4.5%).
7. Truyền thông di động (-74.1%).
*Không có Dịch vụ Tài chính.
PlayStation xứng đáng là “mỏ vàng” khi tiếp tục đứng đầu xét theo hệ số hoàn vốn - mang về lợi nhuận nhiều nhất so với tổng chi phí đầu tư phải bỏ ra. Ba bộ phận Thiết bị hình ảnh & Giải pháp, Âm thanh & Giải trí tại gia và Âm nhạc có tỉ lệ xấp xỉ nhau nên có thể xếp chúng “đồng hạng 2” về uy tín đầu tư, tức đảm bảo sẽ có hiệu quả nhất định. Đây là nhóm đáng tin cậy trong tập đoàn.
Trong khi đó, Bán dẫn là một trường hợp đáng tiếc khi hệ số đạt được không cao bằng các đơn vị khác. Tuy nhiên, việc này có thể thông cảm bởi Bán dẫn là lĩnh vực ngốn rất nhiều tiền đầu tư, bao gồm cả chi phí vận hành lẫn R&D.
Đáng chê trách nhất là Phim ảnh với ROIC chỉ đạt 4.5%, đồng nghĩa với việc tiềm năng bị lãng phí.
Và, như đã được đề cập không ít lần trước đó, mảng Truyền thông Di động của Sony gần như “hết thuốc chữa” với chỉ số ROIC âm 74.1% (đây cũng là điểm đen thua lỗ duy nhất) khiến Sony phải mạnh tay thu hẹp quy mô kinh doanh để cắt giảm chi phí.
Tổng kết
Nhìn chung, Sony là một tập đoàn đa ngành nghề nhưng không bị lệ thuộc vào bất kỳ đơn vị kinh doanh nào, qua đó hạn chế rủi ro mất cân bằng tài chính. Đơn vị “khỏe mạnh” nhất - PlayStation, trong năm tài khóa 2018 chỉ chịu trách nhiệm cho 27% tổng doanh thu và 35% lợi nhuận. Vì vậy, nếu có sự sụt giảm lớn ở bộ phận dẫn đầu, các đơn vị xếp sau hoàn toàn có thể bù đắp.
Mặt khác, ngoại trừ PlayStation giữ vị trí ổn định, các mảng còn lại hoán đổi vị trí ở từng tiêu chí xếp hạng, cho thấy sự linh động của dòng tiền chảy trong tập đoàn.
Trừ Phim ảnh vẫn còn chưa tận dụng hết tiềm năng, hoạt động kinh doanh của Sony rất đa dạng, được tạo nên bởi các đơn vị khác nhau nên về cơ bản mang lại khả năng sinh lời ổn định. Chỉ có một ngoại lệ duy nhất là Truyền thông Di động (MC) - liên tục thua lỗ nặng nề và xếp bét bảng trên mọi tiêu chí đánh giá.
Như thế, dẫu ngày smartphone Xperia nhìn thấy ánh mặt trời trước cái bóng quá lớn, bao trùm lấy ngành công nghiệp di động của Apple, Samsung hay Huawei vẫn còn rất xa, điều đó không hẳn đã khiến Sony quá lo ngại. Các bạn nghĩ gì về Sony, hãy để lại ý kiến ở phần bình luận nhé!
Tham khảo: Sonyfan
Xem thêm: Sony và LG phải làm thế nào để gia tăng doanh số smartphone?
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.