Những sản phẩm điện thoại nếu như đã ra mắt được 2-3 năm thì sẽ khá ít được người dùng lựa chọn nhưng với laptop thì lại là một câu chuyện khác. Trong bài viết này, mời các bạn hãy cùng mình đánh giá ASUS ROG Strix G15 (2021), một chiếc laptop gaming đến từ ASUS để xem sau khoảng 2 năm thì ROG Strix G15 (2021) hiệu năng như thế nào? ASUS ROG Strix G15 (2021) pin dùng bao lâu? ASUS ROG Strix G15 (2021) thiết kế có còn đẹp không? Và ASUS ROG Strix G15 (2021) giá bao nhiêu?
Xem thêm: Trên tay ASUS ROG Strix G15 (2021): Cấu hình mạnh và thiết kế gọn hơn
ASUS ROG Strix G15 (2021) thiết kế vẫn rất đẹp và nổi bật ở thời điểm hiện tại
Trong xu hướng các nhà sản xuất laptop gaming đang chuyển sang những thiết kế có tính khả dụng nhiều hơn, tối giản hơn và có vẻ hơi mất đi chất gaming thì ASUS ROG Strix G15 (2021) thực sự vẫn là một sự lựa chọn nổi bật về yếu tố thiết kế. Máy là sự trung hòa giữa chất gaming đời đầu với những đường nét thanh lịch, tiết chế hơn để hợp với xu thế mới.
Đầu tiên là về tổng thể thì ASUS ROG Strix G15 (2021) được tối ưu và có tính di động khá tốt so với một sản phẩm có màn hình 15.6 inch. ASUS ROG Strix G15 (2021) dày 20.6 mm và nặng 2.1 kg, vẫn ổn để mình bỏ trong balo và mang theo bên mình đến nhiều nơi đấy! Mà mình thấy thì những bạn nữ cũng vẫn khá thoải mái với tổng thể. Đồng thời thì ASUS ROG Strix G15 (2021) cũng được tối ưu các viền màn hình nên kích thước chiều ngang của máy cũng rất gọn gàng.
Ở mặt trước của ASUS ROG Strix G15 (2021) thì bạn sẽ bắt gặp thiết kế với bố cục hai mảng chéo nhau, mảng nhỏ được tạo điểm nhấn từ các hoa văn mà khi nhìn kỹ bạn sẽ thấy thực chất là các chữ cái R O G, và phần đường chéo này cũng được làm liên kết với phần cạnh sau của máy luôn nên tổng thể sản phẩm sẽ trông liền mạch hơn.
Phần bề mặt của máy thì có dạng hoàn thiện nhám sang trọng, với điểm nhấn là logo ROG có thể phát sáng rất thu hút, đặc biệt là khi bạn sử dụng vào ban đêm hay trong các điều kiện ánh sáng yếu. Phần cạnh sau của máy cũng sẽ được hoàn thiện nối tiếp và tương đồng. Bên dưới ta sẽ bắt gặp thêm dòng chữ ROG được khắc chìm.
Các góc, cạnh của ASUS ROG Strix G15 (2021) nhìn chung đều khá phẳng và vuông vức. Điều này góp phần tạo nên cho thiết bị một tổng thể trông có phần nam tính và mạnh mẽ hơn. Thay vì chọn các đường vát mạnh, tạo nên một thiết kế nổi khối thì mình đánh giá tổng thể của ASUS ROG Strix G15 (2021) trông hài hòa, thanh lịch mà vẫn không bị mất chất. Và dù các cạnh máy có được làm phẳng thì độ hoàn thiện của thiết bị vẫn rất tốt nên phần cổ tay của mình vẫn không bị cấn khi sử dụng.
Điểm đặc biệt nhất phải kể đến trên thiết kế của ASUS ROG Strix G15 (2021) đó chính là dải đèn LED RGB dạy dọc theo mặt đáy của máy. Đây chính là yếu tố dễ nhận biết nhất với một chiếc laptop gaming và việc lựa chọn giữ lại điểm này trong thiết kế của ASUS được mình đánh giá rất cao. Khi mình sử dụng ASUS ROG Strix G15 (2021) ở bất cứ đâu đều trông rất nổi bật, thu hút. Và nếu không thích tính năng này thì bạn vẫn có thể thiết lập được nhé!
Mặt dưới của ASUS ROG Strix G15 (2021) có thiết kế góc cạnh, với các chân cao su có kích thước lớn giúp máy tăng độ bám cùng như khả năng tản nhiệt tốt hơn. Phần thiết kế của mặt đáy trên ASUS ROG Strix G15 (2021) cũng được mình đánh giá cao, cho thấy sự chăm chút, tỉ mỉ của ASUS.
ASUS ROG Strix G15 (2021) bàn phím và bàn rê cho trải nghiệm ngon
Dù có kích thước 15.6 inch nhưng ASUS ROG Strix G15 (2021) không sở hữu cụm phím số, mà thay vào đó ta sẽ có một layout phím thông thoáng và rộng rãi hơn.Các phím của ASUS ROG Strix G15 (2021) cũng được trang bị hệ thống đèn nên LED RGB đặc trưng, giúp bạn dễ dàng sử dụng thiết bị ngay cả khi không có ánh đèn.
Điểm đặc trưng của bàn phím trên ASUS ROG Strix G15 (2021) phải kể đến cụm 4 phím W A S D được làm trong suốt trông rất đẹp mắt và nổi bật. Bên cạnh đó, hệ thống bàn phím này cũng được trang bị thêm một cụm phím chức năng ở bên trên giúp bạn điều chỉnh âm lượng, quạt và bật ứng dụng Armoury Crate một cách nhanh chóng hơn.
Về trải nghiệm gõ phím thì mình vẫn đánh giá rất cao hệ thống bàn phím trên ASUS ROG Strix G15 (2021) vì âm thanh phát ra khi gõ rất nhỏ, hành trình phím khá sâu, độ nảy và độ mềm của bàn phím thoải mái cho các đầu ngón tay dù phải thao tác lâu. Layout phím cũng rất dễ dàng để làm quen.
Bàn rê chuột của ASUS ROG Strix G15 (2021) cũng có kích thước lớn, được hoàn thiện dạng nhám nên thao tác vuốt rất mượt và không bị rít tay. Với kích thước này thì mình có thể dễ dàng thao tác bằng hai, ba ngón tay một cách thoải mái. Độ chính xác và độ nhạy của bàn rê cũng rất tốt.
ASUS ROG Strix G15 (2021) cổng kết nối đa dạng
ASUS ROG Strix G15 (2021) được trang bị hệ thống cổng kết nối như sau:
- Cổng HDMI.
- Cổng tai nghe 3.5 mm.
- 3 cổng Type-A USB 3.2 Gen 1.
- Cổng USB Type-C (Power Delivery and DisplayPort).
- Cổng mạng LAN (RJ45).
Nhìn chung, mình đánh giá các cổng kết nối trên ASUS ROG Strix G15 (2021) là khá đa dạng và đáp ứng tốt nhu cầu liên kết với các thiết bị ngoại vi của mình. Dù hiện tại các thiết bị ngoại vi như chuột và bàn phím đã có kết nối không dây khá phổ biến nhưng nhiều người dùng vẫn lo ngại về độ trễ và giá thành khi sử dụng nên kết nối có dây vẫn được ưu tiên hơn.
Bên cạnh đó, ta còn có cổng mạng LAN giúp mang đến tốc độ đường truyền ổn định và nhanh hơn trong quá trình chơi game.
ASUS ROG Strix G15 (2021) màn hình 144 Hz sống động
ASUS ROG Strix G15 (2021) được trang bị màn hình IPS kích thước 15.6 inch, độ phân giải Full HD cho không gian hiển thị rộng rãi cũng chất lượng hình ảnh được mình đánh giá là sắc nét. Điểm nổi trội nhất ở màn hình của ASUS ROG Strix G15 (2021) đó chính là tần số quét 144 Hz, với tần số quét cao, ASUS ROG Strix G15 (2021) mang đến các chuyển động hình ảnh mượt mà, giảm thiểu tối đa hiện tượng, giật, xé hình và tăng độ chính xác khi thao tác.
Màn hình của máy có độ sáng 250 nits, theo trải nghiệm của mình thì sẽ khá ổn nếu dùng trong nhà hay những điều kiện ánh sáng vừa phải. Bên cạnh đó, ta còn có thể tính năng chống chói Anti Glare cho phép bạn xem nội dung dễ dàng hơn khi có nhiều nguồn sáng phức tạp chiếu vào màn hình.
Ngoài ra, mình cũng đã dùng phần mềm Photoshop trên ROG Strix G15 (2021) và nhận thấy rằng máy hoàn toàn có thể xử lý ngon lành.
ASUS ROG Strix G15 (2021) hiệu năng vẫn cực ngon với AMD Ryzen 7 4800H
Trước khi đi vào đánh giá chi tiết, mình sẽ điểm qua thông số của ASUS ROG Strix G15 (2021) cho các bạn dễ theo dõi nhé!
- Màn hình: Kích thước 15.6 inch, độ phân giải Full HD (1.920 x 1.080 pixel), tần số quét 144 Hz.
- CPU: AMD Ryzen 7 - 4800H.
- RAM: 8 GB DDR4 2 khe (1 khe 8 GB + 1 khe rời), tốc độ bus 3.200 MHz, hỗ trợ RAM tối đa 32 GB.
- Card đồ họa: Card rời - NVIDIA GeForce GTX 1650 4 GB.
- Dung lượng SSD: 512 GB SSD NVMe PCIe (Có thể tháo ra, lắp thanh khác tối đa 1 TB). Hỗ trợ thêm 1 khe cắm SSD M.2 PCIe mở rộng (nâng cấp tối đa 1 TB).
- Pin: 4-cell Li-ion, 56 Wh.
- Hệ điều hành: Windows 11.
Xem thêm: Tổng hợp AMD Ryzen: Hiệu năng mạnh mẽ, giá thành hợp lý!
ASUS ROG Strix G15 (2021) được cung cấp sức mạnh từ con chip AMD Ryzen 7 4800H. Đây là một bộ vi xử lý hoạt động trên tiến trình 7 nm, sở hữu 8 nhân và 16 luồng với xung nhịp cơ bản của AMD Ryzen 7 4800H là 2.9 GHz và có thể nâng lên 4.2 GHz. Ngoài ra, ASUS ROG Strix G15 (2021) còn tích hợp cho mình card đồ họa tách rời NVIDIA GeForce GTX 1650 4 GB.
Dung lượng RAM 8 GB của ASUS ROG Strix G15 (2021) được mình đánh giá ở mức khá tốt, có thể đáp ứng các nhu cầu sử dụng cơ bản của mình. Tuy nhiên, để có trải nghiệm tối ưu hơn thì mình khuyên bạn nên nâng cấp lên thêm một thanh RAM có thể là 16 GB hoặc tối đa là 32 GB để khai thác hiệu quả nhất tiềm năng của máy nhé!
Bộ nhớ trong 512 GB thì vẫn rất thoải mái để mình có thể lưu trữ dữ liệu do hiện mình chủ yếu dùng các dữ liệu đám mây và nếu bạn cần nhiều không gian hơn thì ASUS ROG Strix G15 (2021) vẫn hỗ trợ nâng cấp lên tối đa 2 TB nên bạn không cần lo lắng về vấn đề bộ nhớ đâu!
Để các bạn có cái nhìn cụ thể hơn về hiệu năng của ASUS ROG Strix G15 (2021) thì mình có sử dụng máy để thực hiện một số bài chấm điểm hiệu năng như: Geekbench 5, Cinebench R23 và 3DMark. Kết quả mà mình nhận được là như sau:
- Geekbench 5:
- Đơn nhân/đa nhân: 1.108 điểm/4.590 điểm.
- GPU Compute: 39.659 điểm.
- Cinebench R23 (đơn nhân/đa nhân): 10.982 điểm/1.234 điểm.
- PCMark 10: 4.920 điểm.
- 3Dmark: 3.835 điểm.
Có thể nhận thấy, các điểm số hiệu năng vẫn ở mức khá tốt dù đã ra mắt được khoảng 2 năm và vẫn đủ sức cạnh tranh với các đối thủ trong cùng phân khúc. Điều này khá đúng với những trải nghiệm thực tế mà mình nhận được khi dùng ASUS ROG Strix G15 (2021). Máy có thể cân tốt các tác vụ từ cơ bản đến nâng cao, hiện tượng giật, lag rất ít xảy ra.
Bên cạnh việc chấm điểm hiệu năng, mình cũng chơi thử bốn tựa game là FIFA Online 4, PUBG, Assassin's Creed Syndicate và Shadow of the Tomb Raider trên ASUS ROG Strix G15 (2021). Mình cũng sử dụng phần mềm MSI Afterburner để đo FPS, nhiệt độ CPU, mức RAM tiêu thụ,... nhằm mang đến cho các bạn có cái nhìn trực quan hơn.
Đầu tiên là FIFA Online 4, ASUS ROG Strix G15 (2021) có thể duy trì tốc độ khung hình trung bình vào khoảng 100 FPS trong suốt một trận đấu. Vẫn như các thiết bị khác thì ở các hiệu ứng chuyển cảnh đột ngột như pha xem lại bàn thắng, tua chậm, hay lúc mới vào game... FPS của máy sẽ có sự giao động thường xuyên với biên độ nhỏ nhưng nhìn chung thì trải nghiệm chơi vẫn ở mức tốt và khá mượt mà. ASUS ROG Strix G15 (2021) mang lại khả năng xử lý đồ họa tốt, chi tiết các nhân vật cho đến bối cảnh được tái hiện sống động, thậm chí các chi tiết nhỏ như phần cỏ dưới sàn đấu, các điểm nhấn trên áo của cầu thủ cũng được thể hiện rõ ràng.
Với PUBG thì ASUS ROG Strix G15 (2021) vẫn mang đến cho mình trải nghiệm tốt. Máy cho tốc độ khung hình trung bình khi chiến đấu trong khoảng 50 FPS, còn trong sảnh chờ hay lên máy bay thì FPS có được đẩy cao lên hơn. Các thao tác di chuyển trong game, nhắm bắn,... của mình diễn ra rất mượt mà, một phần cũng nhờ vào màn hình 144 Hz dù cho mình có thiết lập đồ họa cao. Đồ họa cũng được tái hiện đẹp mắt cùng độ chi tiết cao. Nhìn chung, mình đánh giá cao trải nghiệm chơi game trên ASUS ROG Strix G15 (2021).
Tựa game thứ 3 mà mình trải nghiệm là Assassin's Creed Syndicate. Với trò chơi này, mình lựa chọn thiết lập đồ họa ở mức trung bình để card GTX 1650 có thể mang đến trải nghiệm tối ưu nhất. Bên cạnh đó, mình cũng tắt V-Sync để FPS không bị giới hạn.
Trải nghiệm chơi game của mình với tựa game Assassin's Creed Syndicate trên ASUS ROG Strix G15 (2021) ở mức tương đối ổn, đặc biệt là khi so máy đã 2 năm tuổi. Tốc độ khung hình trung bình của máy vào khoảng 50 FPS, hiện tượng lag, khựng có xảy ra khi thực hiện các pha hành động, chạy nhảy với tốc độ cao. Bối cảnh trong game (trong video là UK ở thế kỷ 19) được tái tạo khá đẹp mắt, nếu zoom kĩ sẽ có vài chi tiết trên gương mặt của nhân vật xuất hiện răng cưa nhưng không quá ảnh hưởng.
Cuối cùng là Shadow of the Tomb Raider, một tựa game phiêu lưu có hơi giật gân một chút. Mình vẫn lựa chọn thiết lập cấu hình cho game ở mức trung bình tắt V-Sync.
Tốc độ khung hình mà ASUS ROG Strix G15 (2021) đạt được ở tựa game Shadow of the Tomb Raider có sự biến động khá nhiều, FPS trung bình trong khoảng 60-80. Tốc độ khung hình có lâu lâu bị tụt xuống dưới 20 FPS khi có pha chuyển cảnh đột ngột hoặc khung cảnh có quá nhiều chi tiết (chẳng hạn như mọi thứ đổ sập, một pha hành động nhanh,...). Chính vì game phiêu lưu nên bối cảnh trong game phần lớn là ngoài tự nhiên khá hùng vĩ, mức độ chi tiết tương đối tốt dù đồ họa không được mình thiết lập cao.
Nhìn chung, ở thời điểm hiện tại thì mình đánh giá ASUS ROG Strix G15 (2021) vẫn mang lại trải nghiệm chơi game ở mức khá tốt, tuy nhiên, để có được sự tối ưu thì bạn nên thiết lập cấu hình phù hợp nhé!
Bên cạnh đó thì mình cũng sử dụng phần mềm Crystal Diskmark để đo tốc độ đọc/ghi của ổ cứng SSD bên trong ASUS ROG Strix G15 (2021). Kết quả mình thu được là như sau:
- Tốc độ đọc: 2.917 MB/s.
- Tốc độ ghi: 1.584 MB/s.
Ổ cứng của ASUS ROG Strix G15 (2021) có tốc độ đọc/ghi được mình đánh giá khá cao. Nhờ đó mà thời gian mở ứng dụng, các thao tác sao chép, di chuyển file, dữ liệu trên thiết bị đều diễn ra với tốc độ nhanh chóng và mang lại sự tối ưu trong công việc của mình.
ASUS ROG Strix G15 (2021) thời lượng pin nổi trội và tản nhiệt tốt
Để kiểm tra xem viên pin dung lượng 56 Wh của ASUS ROG Strix G15 (2021) có thời lượng như thế nào thì mình có sử dụng phần mềm BatteryMon để test và có chia ra làm 2 trường hợp sử dụng khác nhau, kết quả mình thu được là:
- Trường hợp 1: Dùng các tác vụ thông thường và không chơi game:
- Thời lượng pin: 3 tiếng 51 phút.
- Thời gian đo: 1 tiếng.
- Màn hình 100%, âm lượng 70% và không bật chế độ tiết kiệm pin.
- Có bật đèn nền ở bàn phím.
- Có bật kết nối Bluetooth để dùng bàn phím và cắm USB để dùng chuột.
- Trường hợp 2: Dùng các tác vụ thông thường và có chơi game 20 phút:
- Thời lượng pin: 2 tiếng 56 phút.
- Thời gian đo: 1 tiếng.
- Màn hình 100%, âm lượng 70% và không bật chế độ tiết kiệm pin.
- Có bật đèn nền ở bàn phím.
- Có bật kết nối Bluetooth để dùng bàn phím và cắm USB để dùng chuột.
Từ kết quả kiểm tra và trải nghiệm của mình thì quả thực là ASUS ROG Strix G15 (2021) đã mang lại thời lượng pin rất tốt so với các sản phẩm laptop gaming khác. Dù chỉ sở hữu mức dung lượng vừa phải nhưng nhờ sự tối ưu của nhà sản xuất mà mình có thể dùng máy với các tác vụ cơ bản trong khoảng hơn 3 tiếng. Con số này thực sự là rất nổi bật khi so với các đối thủ trong cùng phân khúc vì thông thường laptop gaming không được đánh giá quá cao về yếu tố pin.
Tuy nhiên, các bạn cũng cần lưu ý là kết quả trên chỉ mang tính chất tham khảo, còn thời lượng thực tế mà bạn nhận được sẽ phụ thuộc nhiều vào thiết lập cũng như tác vụ cụ thể của bạn. Bên cạnh đó, với các laptop gaming thì mình vẫn thường khuyên các bạn hãy vừa dùng vừa cắm sạc cho máy để có thiết bị có thể bung hết hiệu năng cũng như mang lại trải nghiệm sử dụng liền mạch hơn. À máy ASUS ROG Strix G15 (2021) cũng có tốc độ sạc pin rất nhanh đó nha!
Tiếp đến mình cũng đã dùng thêm phần mềm HWiNFO64 nhằm xem xét khả năng tản nhiệt của ASUS ROG Strix G15 (2021). Kết quả mình thu được như sau:
Kết quả nhiệt độ khi đo bằng phần mềm của ASUS ROG Strix G15 (2021) sẽ có hơi cao một chút nhưng quá trình sử dụng của mình thì lại rất tốt. Máy được mình đánh giá là hoạt động mát mẻ ở các tác vụ cơ bản, còn các tác vụ nặng có hơi ấm lên ở khu vực xung quanh bàn phím. Tuy nhiên, phần hơi nóng sẽ bị đẩy ra khá nhiều ở hai cạnh bên, vậy nên bạn hạn chế đặt các đồ dùng hoặc thiết bị ở khu vực này nhé!
ASUS ROG Strix G15 (2021) giá bao nhiêu? Có nên mua ASUS ROG Strix G15 (2021) ở hiện tại?
ASUS ROG Strix G15 (2021) hiện đang được mở đặt hàng tại Thế Giới Di Động với mức giá là 22.99 triệu đồng (có thể thay đổi tùy chương trình khuyến mãi). Mức giá này được mình nhận xét là rất hợp lý so với thiết kế, cấu hình và những trải nghiệm mà ta có thể nhận được trên thiết bị này.
Vậy còn bạn, bạn đánh giá như thế nào về ASUS ROG Strix G15 (2021)? Hãy để lại ý kiến bên dưới cho chúng mình được biết nhé! Rất cảm ơn các bạn đã đọc hết bài viết của mình.
Ngừng kinh doanh
Xem đặc điểm nổi bật
- Màn hình: 15.6", Full HD (1920 x 1080), 144Hz
- CPU: Ryzen 7, 4800H, 2.9GHz
- Card: GTX 1650 4GB
- Pin: 4-cell, 56Wh
- Khối lượng: 2.1 kg
Ngoài ra, nếu các bạn quan tâm thì Thế Giới Di Động cũng đang kinh doanh nhiều mẫu laptop khác của ASUS với mức giá hấp dẫn, các bạn có thể tham khảo qua nút cam bên dưới đây nha!
LAPTOP ASUS CHÍNH HÃNG GIÁ TỐT
Xem thêm: Trên tay ASUS ROG Strix G17 (2021): Mạnh mẽ, đẹp và ấn tượng
Bài viết liên quan
-
[CES 2025] ASUS ra mắt Zenbook A14: Laptop Copilot+ mỏng nhẹ nhất thế giới
2 ngày trước -
[CES 2025] ASUS ROG Strix Scar 16 và 18 2025 ra mắt đi kèm nhiều đèn LED RGB hơn
3 ngày trước -
[CES 2025] ASUS ra mắt ROG Flow Z13 2025 với card đồ họa tích hợp AMD mạnh mẽ
3 ngày trước -
Trên tay HP OMEN Transcend 14: Thiết kế sang trọng, cấu hình mạnh mẽ với chip Intel Core Ulra 7
30/12/24 -
Trên tay ASUS Vivobook S 16 OLED M5606WA: Thiết kế cao cấp, cấu hình mạnh mẽ với chip AMD Ryzen AI 9 - HX370
27/12/24 -
Trên tay Lenovo ThinkPad E14: Thiết kế sang trọng, độ bền cao, chip Intel Core Ultra 7 mạnh mẽ
24/12/24
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.