Sony, LG và HTC - những tên tuổi lừng lẫy ngày nào giờ đều đã biến mất khỏi các kệ hàng tại Việt Nam (và số lượng người vẫn đang sử dụng smartphone của 3 thương hiệu trên có lẽ cũng là không nhiều). Trong đó, thị phần toàn cầu của Sony đã tụt xuống dưới 1%.
Vậy, nguyên nhân nào đã khiến họ rơi vào tình cảnh “bi đát” ấy?
Không chịu thay đổi hoặc thay đổi chưa “tới nơi tới chốn”
Tên tuổi cỡ Apple hầu như chỉ ra mắt iPhone một lần mỗi năm. Samsung trình làng 2 flagship trong một năm, nhưng đó là 2 dòng sản phẩm khác nhau. Ấy vậy mà, Sony từng có thời ra mắt đến 2 flagship trong 1 năm nhưng với thiết kế (thậm chí là cả cấu hình) gần như tương đồng.
Giữa lúc thị trường lần lượt xuất hiện smartphone dùng camera kép sau khi iPhone 7 Plus khởi xướng vào tháng 9/2016, Sony vẫn dùng camera đơn, mãi đến tháng 4/2018 mới trình làng điện thoại sở hữu camera kép đầu tiên.
Và khi thế giới dịch chuyển sang xu thế màn hình tỷ lệ 18:9 với viền 2 cạnh trên - dưới được làm mỏng Sony vẫn trung thành với tỷ lệ 16:9 truyền thống và viền cạnh trên – dưới khá dày trong một khoảng thời gian. Những fan của Sony có thể cho rằng điều đó thể hiện cá tính, “chất” riêng của Sony. Nhưng khác biệt như vậy để làm gì khi sản phẩm không bán được?
Đấy là chưa kể, xét trên thực tế, những chiếc điện thoại với viền màn hình siêu mỏng ngày nay (với Samsung và một số hãng khác thì còn có cả 2 cạnh bên được làm cong) trông bắt mắt và cuốn hút hơn hẳn. Cách thiết kế này cũng giúp nhà sản xuất đưa được diện tích lớn hơn vào màn hình, nâng cao trải nghiệm khi theo dõi các nội dung mà không làm kích thước tổng thể của máy tăng quá nhiều.
Trong khi đó, LG từng nỗ lực tạo ra sự khác biệt với thiết kế điện thoại mô-đun trên chiếc G5, cho phép người dùng tháo rời phần dưới để lắp thêm phụ kiện, mở rộng chức năng. Tuy nhiên, giải pháp này của hãng không được nhiều người dùng quan tâm khi số lượng mô-đun thay thế dành cho sản phẩm là rất hạn chế.
Ngoài dòng G, LG còn phát triển dòng V cũng thuộc phân khúc cao cấp. LG V10 có màn hình phụ thứ hai khá độc đáo nhưng lại có kích thước quá lớn và thiết kế không bắt mắt cho lắm. Đồng thời, V10 cho phép người dùng tháo rời pin nhưng đổi lại là sự thiếu vắng tính năng chống nước.
Với HTC, tình hình cũng không mấy khác biệt. Từ HTC One M7 đến HTC 10, người dùng không nhận thấy nhiều sự khác biệt về thiết kế giữa 4 thế hệ smarphone được HTC ra mắt từ năm 2013 đến năm 2016, và việc giới thiệu tính năng “bóp cạnh” để điều khiển điện thoại khi ra mắt HTC U11 vào năm 2017 chưa đủ để họ tạo ra dấu ấn đậm nét trong lòng người dùng.
Sự trỗi dậy của các hãng Trung Quốc
Có một thời, hàng Trung Quốc chịu nhiều định kiến về những sản phẩm kém chất lượng. Những ngày đó đã lùi vào dĩ vãng. Theo thống kê thị phần của hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint trong quý 2/2019, có đến 6/10 thương hiệu smartphone đứng đầu thế giới đến từ Trung Quốc.
Hầu hết trong số đó nằm ở top trên như Huawei (hạng 2), Xiaomi, OPPO và Vivo (hạng 4 – 5 – 6). Ngay cả Realme – một thương hiệu con của OPPO và mới chỉ thành lập cách đây hơn 1 năm (từ tháng 7/2018) cũng đã nhanh chóng vươn lên xếp ở vị trí thứ 10.
Không còn là kẻ “đi sao chép”, nhiều công ty Trung Quốc được biết đến như những người di đầu trong việc sáng tạo, giới thiệu công nghệ mới như camera trượt/bật lên (Vivo, OPPO), cảm biến vân tay nhúng dưới màn hình (Vivo) hay sạc ngược không dây (Huawei).
Cộng với lợi thế sẵn có về khả năng cung cấp sản phẩm có cấu hình tốt trong phân khúc, ngày nay, smartphone Trung Quốc đã khẳng định được vị thế vững chắc trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, OPPO nhiều năm liền chỉ xếp sau Samsung trên bảng xếp hạng thị phần, trong khi Xiaomi cùng Huawei cũng xây dựng được lượng được lượng người dùng không nhỏ (lần lượt xếp thứ 4 và thứ 5 trên bản xếp hạng thị phần smartphone Việt Nam năm 2018 theo thống kê từ hãng nghiên cứu thị trường GfK.
Kiên quyết không chuyển phân khúc trọng tâm
Như vừa nêu trên, quá trình vươn lên mạnh mẽ của những nhà sản xuất Trung Quốc có sự đóng góp không nhỏ của những sản phẩm được trang bị cấu hình rất tốt trên giá bán. Quan trọng hơn, hầu hết trong số đó đều hướng đến phân khúc tầm trung và cấp thấp, nơi phần đông người dùng có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận.
Đó là lựa chọn khôn ngoan bởi thật khó để đấu lại 2 “gã khổng lồ” Apple và Samsung trong phân khúc cao cấp, khi iPhone và điện thoại Galaxy luôn là lựa chọn ưu tiên nếu người dùng phải bỏ ra số tiền suýt soát nghìn đô.
Khi đã không còn ở vị thế hàng đầu, cả HTC, Sony lẫn LG hoàn toàn có thể hạ cái tôi của mình xuống, tạm thời hướng đến phân khúc tầm trung để giữ thị phần. Tuy nhiên, họ lại không (hoặc rất ít khi) làm như vậy.
Cuối năm 2017, HTC U11 Plus ra mắt tại Việt Nam với giá 18.99 triệu. Một năm sau, HTC U12 Plus có giá thậm chí còn cao hơn, 19.99 triệu.
Với LG, một trong những smartphone gần nhất được công ty bán chính hãng ở Việt Nam là mẫu V10 vào năm 2015. Giá bán của sản phẩm này là 15.99 triệu.
Tương tự, tháng 4/2018, Sony ra mắt Xperia XZ2 với giá 19.99 triệu. Sau đó 4 tháng, giá Xperia XZ2 Premium được Sony công bố là 22.29 triệu.
Việc vẫn đặt trọng tâm vào phân khúc vốn là cuộc chơi mà Samsung và Apple là 2 người chơi quá mạnh đã khiến cả 3 “ông lớn” một thời “sầu càng thêm sầu”.
Vậy, họ cần làm gì để trở lại?
Một tấm gương để Sony, HTC và LG học hỏi có thể là Nokia. Cũng một thời khủng hoảng, phải bán mình nhưng hiện tại, điện thoại Nokia dưới dự lãnh đạo của HMD Global (công ty lập ra bởi cựu nhân viên Nokia) đang có màn trở lại ấn tượng.
Trong bảng thống kê top 10 hãng smartphone có thị phần lớn nhất thế giới mà bạn đã thấy ở trên, HMD chiếm vị trí thứ 9. Còn theo báo cáo GfK tính đến tháng 5/2019, Nokia chiếm 21% thị phần điện thoại tại Việt Nam trong quý 1/2019, chỉ xếp sau Samsung.
Nên nhớ, HMD mới chỉ đưa điện thoại Nokia quay lại hồi đầu năm 2017. Thành quả ấy có được một phần là do họ đã rất “biết mình biết người”:
- Điện thoại Nokia trước kia thất bại với hệ điều hành Windows nên điện thoại Nokia bây giờ dùng Android (thậm chí là Android One – chương trình hợp tác với Google giúp thiết bị sớm được cập nhật hệ điều hành, mà tốc độ nâng cấp phần mềm cũng là một trong những điểm yếu của Sony, LG lẫn HTC).
- Ngày nay, Apple và Samsung thống trị phân khúc cao cấp nên điện thoại Nokia đã được phát hành hầu như đều thuộc nhóm giá rẻ - tầm trung. Tất nhiên, Nokia và HMD vẫn phải chịu sự cạnh tranh từ các công ty khác, đặc biệt là các hãng Trung Quốc, nhưng để xây dựng lòng tin với người dùng và tích lũy thị phần, không có giải pháp nào tốt hơn là hướng đến phân khúc tầm trung – giá rẻ.
Có thể, Sony, HTC và LG vẫn cần tiếp tục ra mắt smartphone cao cấp để giữ hình ảnh nhưng song song với đó, họ cũng cần đưa ra giá bán hợp lý hơn cho flagship cũng như giới thiệu thêm nhiều sản phẩm ở phân khúc tầm trung.
Mặt khác, họ không thể tiếp tục đứng ngoài xu thế của thị trường. Màn hình viền mỏng, camera trượt, cảm biến vân tay trong màn hình, cụm camera nhiều ống kính có chất lượng tốt, cung cấp nhiều tính năng hữu ích, cải thiện khâu cập nhật phần mềm song song với việc tạo ra sự khác biệt về thiết kế là những điều họ cần tính đến khi muốn sản phẩm của mình được ưa chuộng hơn.
Theo bạn, Sony, LG và HTC cần làm gì để trở lại thời hoàng kim và họ có thể trở lại như Nokia được hay không? Cùng chia sẻ quan điểm của bạn dưới phần bình luận nhé.
Xem thêm:
- Sony dựa vào đâu khi mảng di động thua lỗ nặng nề, được đồn sẽ giải thể?
- Sony và LG phải làm thế nào để gia tăng doanh số smartphone?