Chắc hẳn ai dùng MacBook đều sẽ biết thanh Dock và tiện ích của nó mang lại. Vậy bạn đã biết cách để điều chỉnh Dock trên máy tính bằng Terminal giúp màn hình đẹp và thuận tiện cho sử dụng hơn chưa nhỉ? Nếu chưa thì cùng mình tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!
Dock là gì và những tính năng được hiển thị trên đó?
- Trong lần đầu tiên thiết lập MacBook, thanh Dock là thanh chữ nhật mờ nằm dọc dưới màn hình. Nơi này giúp bạn truy cập vào Finder, ứng dụng, tệp yêu thích và thùng rác nhanh và thuận tiện.
- Những tính năng được hiển thị trên thanh Dock:
+ The Finder: Trình tìm kiếm.
+ Favorite app shortcuts: Phím tắt ứng dụng yêu thích.
+ Currently-running apps: Các ứng dụng đang chạy.
+ Favorite files or folders: Các tập tin hoặc thư mục yêu thích.
+ The Trash: Thùng rác.
Hình minh họa thanh Dock
Đầu tiên cần chuẩn bị để bắt đầu điều chỉnh thanh Dock bằng Terminal là bạn hãy mở sẵn Terminal trên MacBook của mình nhé!
- Vào Spotlight (hình chiếc kính lúp góc trên bên phải màn hình) > Nhập “Terminal” > Nhấn Enter.
Mở Terminal trên máy tính
1. Kích hoạt chế độ Single App
Kích hoạt chế độ này sẽ giúp bạn tập trung làm một việc trên máy hơn, nhờ đó mà tốc độ hay năng suất làm việc của máy cũng được tối ưu. Khi kích hoạt chế độ này và click vào 1 ứng dụng trên thanh Dock, thì màn hình chỉ hiện ứng dụng bạn mở, còn tất cả các ứng dụng khác sẽ được ở dạng Minimize dưới thanh Dock.
Để kích hoạt chế độ này bạn cần gõ vào thanh Terminal dòng lệnh:
defaults write com.apple.dock single-app -bool TRUE; killall Dock
Hình nhập dòng lệnh kích hoạt chế độ Single App
Để tắt chế độ này, đơn giản bạn chỉ cần thay “TRUE” thành “FALSE” trong câu lệnh trên và nhập lại trên Terminal.
2. Chỉ hiển thị các ứng dụng đang chạy
Kích hoạt chế độ này, thanh Dock của bạn sẽ chỉ hiển thị các ứng đang chạy hay đang sử dụng. Khi tắt hoàn toàn ứng dụng thì thanh Dock sẽ không hiện ứng dụng đó nữa.
Để kích hoạt chế độ này, bạn cần gõ vào thanh Terminal dòng lệnh:
defaults write com.apple.dock static-only -bool; killall Dock
Hình nhập câu lệnh trên Terminal để chỉ hiển thị các ứng dụng đang chạy
Tắt chế độ này, bạn chỉ cần thay “TRUE” thành “FALSE” trong câu lệnh trên và nhập lại trên Terminal.
Lưu ý:
- Đoạn lệnh "killall Dock" để khởi động lại thanh Dock và áp dụng tùy chỉnh của bạn.
- Nếu đã bật tính năng này lên thì bạn nên tắt Hiển thị chỉ báo cho các ứng dụng đang mở (dấu chấm biểu thị ứng dụng đang chạy) bằng cách hướng dẫn dưới.
- Chọn icon Apple > Vào Tùy chọn Hệ Thống.
Vào Tùy chọn hệ thống
- Chọn Dock & Thanh menu.
Chọn Dock & Thanh menu
- Nhấn tắt Hiển thị chỉ báo cho các ứng dụng đang mở.
Tắt Hiển thị chỉ báo cho các ứng dụng đang mở
3. Thêm một stack tùy biến trên Dock để chứa tập tin, ứng dụng vừa mở
Chế độ này cho phép Mac tạo sẵn một stack trên Dock, giúp người dùng truy cập nhanh những tập tài liệu, ứng dụng chạy gần đó,... Và không cần phải mở Finder hoặc tìm ứng dụng lại từ đầu.
Để kích hoạt, bạn cần nhập dòng lệnh vào Terminal:
defaults write com.apple.dock persistent-others -array-add ‘{“tile-data” = {“list-type” = 1;}; “tile-type” = “recents-tile”;}’
Thêm một stack tùy biến trên dock để chứa tập tin, ứng dụng vừa mở
Kết quả sau khi nhập xong, stack ẩn được xuất hiện cuối thanh Dock và mặc định sẽ hiển thị các ứng dụng bạn chạy gần đây. Nếu bạn muốn chỉnh cho stack này hiển thị các mục khác thì bạn click chuột phải (hoặc control + click) để chuyển đổi qua chế độ hiển thị những mục khác như tài liệu hay ổ đĩa truy cập gần đó,...
Bạn cũng có thể nhập thêm 1 câu lệnh như trên để hiện ra thêm 1 stack nếu cần. Ngược lại bạn chỉ cần click phải > Chọn Remove from Dock để bỏ ra khỏi Dock nếu không thích.
4. Nhận biết ứng dụng nào đang có cửa sổ ẩn
Mac OS cho phép ẩn nhanh cửa sổ của một ứng dụng thông qua nhấn Command + H hoặc nhấn Cmd + Option + H để ẩn toàn bộ cửa sổ. Lúc này, cửa sổ đó vẫn chạy nhưng chỉ không hiện ra màn hình.
Phím tắt ẩn nhanh 1 cửa sổ
Vấn đề là nhiều lúc bạn sẽ quên mất mình đã ẩn ứng dụng nào. Lúc này, hãy dùng đến tùy chọn nhận biết ứng dụng có cửa sổ ẩn, bằng cách làm cho biểu tượng của nó mờ đi.
Để kích hoạt bạn nhập dòng lệnh sau vào Terminal:
defaults write com.apple.dock showhidden -bool TRUE; killall Dock
Hình nhập câu lệnh trên Terminal để nhận biết ứng dụng đang có cửa sổ ẩn
Kết quả là ứng dụng nào có cửa sổ ẩn thì biểu tượng trên Dock của nó sẽ mờ đi. Để tắt tính năng này, đơn giản chỉ cần thay “TRUE” trong câu lệnh trên bằng “FALSE” và nhập lại trên Terminal.
5. Thêm khoảng trắng trên Dock
Chế độ này cho phép chia thanh Dock thành từng khu vực với những nhóm ứng dụng khác nhau bằng cách thêm những khoảng trắng ở giữa các khu vực.
Hình minh họa khoảng trắng
Để bật chế độ này, bạn nhập dòng lệnh sau trên Terminal:
defaults write com.apple.dock persistent-apps -array-add '{"tile-type"="spacer-tile";}'; killall Dock
Hình nhập dòng lệnh trên Terminal để thêm khoảng trắng
Mỗi lần gõ dòng lệnh trên, thanh Dock của bạn sẽ tăng thêm 1 khoảng trắng. Để loại bỏ khoảng trắng:
- Kéo nó ra khỏi Dock hoặc click chuột phải > Chọn Remove.
Hình click chuột phải, chọn Remove
6. Bật hiệu ứng Suck khi ẩn minimize cửa sổ
Hiệu ứng Suck khi ẩn minimize là hiệu ứng làm cửa sổ chạy xuống giống như đang bị hút vào ứng dụng.
Hình minh họa hiệu ứng Suck
Câu lệnh cần gõ trên Terminal là:
defaults write com.apple.dock mineffect suck; killall Dock
Hình nhập câu lệnh vào Terminal để bật hiệu ứng Suck
Để tắt câu lệnh này, bạn chỉ đơn giản thay thế từ "suck" trong câu lệnh thành "genie" hoặc "scale" và nhập lại vào Terminal.
7. Sử dụng thao tác cuộn để xem các cửa sổ đang mở của một ứng dụng
Đối với tính năng này, Mac OS cho phép người dùng chỉ cần dùng thao tác vuốt là có thể xem hết toàn bộ cửa sổ đang chạy của ứng dụng nào đó.
Để kích hoạt, bạn nhập dòng lệnh sau vào Terminal:
defaults write com.apple.dock scroll-to-open -bool TRUE; killall Dock
Hình nhập dòng lệnh để kích hoạt tính năng sử dụng thao tác cuộn
Bây giờ bạn chỉ cần rê chuột lại biểu tượng trên Dock của ứng dụng đang được mở nhiều cửa sổ, vuốt 2 ngón tay lên trên (cuộn lên trên) là tất cả những cửa sổ sẽ được hiện ra.
Nếu bạn muốn tắt tính năng này, đơn giản chỉ cần thay “TRUE” trong câu lệnh trên bằng “FALSE” và nhập lại trên Terminal.
8. Thay đổi độ trễ khi thanh Dock tự ẩn/hiện
Một số người dùng thói quen để thanh Dock tự ẩn để tiết kiệm diện tích màn hình. Tuy nhiên, điều này có thể gây khó chịu khi thanh Dock sẽ chạy ra, chạy vô từ từ chứ không ẩn, hiện ngay lập tức.
Để bật thanh Dock tự ẩn, hiện làm theo hướng dẫn phía dưới.
- Chọn icon Apple > Vào Tùy chọn Hệ Thống.
Vào Tùy chọn Hệ Thống...
- Chọn Dock & Thanh menu.
Chọn Dock & Thanh menu
- Nhấn Tự động ẩn và hiển thị Dock.
Nhấn Tự động ẩn và hiển thị Dock
Để tùy chỉnh lại, bạn nhập câu lệnh tương tự như bên dưới trên Terminal. Ví dụ bên dưới là câu lệnh làm tốc độ chạy của Dock bình thường, tương ứng với giá trị mặc định là “1”.
defaults write com.apple.dock autohide-time-modifier -float 1; killall Dock
Nếu bạn thay bằng giá trị “0” thì thanh Dock sẽ hoàn toàn không trễ nữa, thay bằng “2” thì tốc độ chạy chậm hơn gấp đôi so với "1" và cứ thế đối với những số khác. Để trở về tốc độ mặc định, bạn nhập toàn bộ câu lệnh trên (giá trị bằng "1") là xong.
Hình nhập câu lệnh điều chỉnh tốc độ trễ khi thanh Dock tự ẩn/hiện
9. Reset thanh Dock lại mặc định ban đầu
Nếu bạn không thích tùy chỉnh thanh Dock mà muốn dùng mặc định thì đây là cách nhanh và đơn giản cho bạn.
Nhập dòng lệnh sau lên Terminal nhé:
defaults delete com.apple.dock; killall Dock
Hình nhập dòng lệnh reset lại thanh Dock mặc định
Một số mẫu MacBook xịn sò đang được kinh doanh tại Thế Giới Di Động:
Phần hướng dẫn cách chỉnh thanh công cụ Dock bằng Terminal trên MacBook đã hoàn tất, cảm ơn bạn đã theo dõi đến cuối cùng và chúc bạn tùy chỉnh được thanh Dock như ý nhé!