Đồng hồ mặt kính sapphire được rất nhiều người chọn mua vì tính năng chống trầy, giữ đồng hồ luôn sáng bóng. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp mặt kính sapphire bị trầy do nhiều nguyên nhân. Vậy có đánh bóng mặt kính lại được không? Hãy cùng theo dõi bài viết này nhé.
1. Vì sao mặt kính sapphire của bạn bị trầy?
- Kính sapphire là gì?
Kính sapphire là loại kính có khả năng chống ăn mòn và trầy xước. Kính sapphire có độ cứng cao được tạo thành từ bột nhôm oxit (Al2O3), chỉ có duy nhất một loại đá có thể làm trầy xước được sapphire là kim cương.
- Nguyên nhân gây trầy kính sapphire
Hiện nay, kính sapphire không sử dụng 100% từ sapphire tự nhiên mà được sản xuất nhân tạo và pha trộn nhiều chất phụ gia, chính điều đó đã giảm đi độ cứng nguyên thủy của sapphire. Ngoài ra, trên thị trường trà trộn rất nhiều hàng nhái, hàng kém chất lượng nếu bạn không thực sự am hiểu, phân biệt kính sapphire thì rất dễ bị mua nhầm.
Có 3 loại mặt kính sapphire thường sử dụng: Sapphire tráng mỏng (chỉ được tráng một lớp mỏng sapphire rất giòn, dễ vỡ) , sapphire tráng dày (được tráng sapphire dày hơn, sử dụng được lâu hơn), sapphire khối (loại kính tốt nhất chống trầy, khó vỡ).
2. Có nên đánh bóng lại mặt kính sapphire đồng hồ không?
Đánh bóng sapphire rất khó, đòi hỏi chi phí vật liệu, máy móc chuyên dụng cao, cần phải có kinh nghiệm và sự tỉ mỉ của người thợ. Vậy nên những nơi sửa chữa đồng hồ sẽ từ chối đánh bóng sapphire hoặc đánh bóng với chi phí cao, thường khuyên là nên thay mới.
Nhưng nếu bạn hạn chế về ngân sách hoặc mặt kính muốn thay không có, bạn vẫn có thể tự đánh bóng mặt kính sapphire tại nhà bằng bột kim cương qua hướng dẫn dưới đây.
Lưu ý: Nếu có mặt kính sapphire với mức giá hợp lý bạn vẫn nên thay mới nhé. Vì đánh bóng đòi hỏi tốn nhiều thời gian, một số bề mặt kính không bằng phẳng nếu bạn không khéo léo đôi khi sẽ làm hư (lồi, lõm, méo) bề mặt đồng hồ.
3. Cách đánh bóng mặt kính sapphire bằng bột kim cương
Bột kim cương (Diamond Paste) bạn có thể đặt mua từ nước ngoài qua người quen hoặc các web như Amazon. Nên chọn bột kim cương có 3 cỡ hạt từ 0.25 – 9 micron: cỡ hạt từ 6-9 micron đùng dể xóa những vết trầy lớn, cỡ hạt 4-5 micron giúp xóa những vết trầy vừa phải, cỡ hạt từ 0.25 -3 micron để đánh bóng lại lần cuối.
Nên mua loại bột kim cương đựng trong tuýp, xi lanh để tiết kiệm (không cần dùng hũ to vì giá cao và không cần dùng nhiều).
- Bước 1
Dùng nước rửa kính và khăn lau sạch mặt kính. Sau đó lấy băng kéo dán kín xung quanh mặt đồng hồ.
Lưu ý: Phải dán thật kín để tránh bột kim cương dính vào dây, khung đồng hồ sẽ gây trầy trong quá trình chà bột kim cương.
- Bước 2
Trét bột kim cương cỡ hạt lớn (ví dụ loại 9 micron) lên phần kính bị trầy xước rồi lấy băng gạc (vải không xơ) chà đều (theo một chiều) ở nơi có vết trầy cho đến khi thấy vết trầy mờ hẳn.
Lưu ý: Cẩn thận chà sao cho bề mặt cân xứng đừng để bị lõm, khuyết.
- Bước 3
Tiếp tục lấy bột kim cương hạt nhỏ hơn (như loại 6 micron) và dùng một miếng gạc sạch thao tác lại như bước 2.
- Bước 4
Dùng bột kim cương hạt nhỏ nhất (ví dụ loại 3 micron) thao tác chà như bước 2 hoặc 3 giúp đánh bóng lại bề mặt kính.
Lưu ý: Bạn nên kiên nhẫn chà trong khoảng thời gian lâu (tầm 1 tiếng) để thấy được hiệu quả tốt nhất. Dùng kính lúp để kiểm tra lại lần nữa các vết trầy đã mờ hẳn chưa.
- Bước 5
Lấy cồn hoặc nước rửa kính rửa sạch bề mặt kính sau đó lấy khăn nhẹ nhàng lâu khô.
Sapphire là loại kính rất khó đánh bóng, nhất là đối với những bề mặt kính cong. Nếu không cẩn thận bạn có thể làm lõm, méo hay nứt kính.
Cách thủ công trên đây chỉ là giải pháp cứu cánh tạm thời cho những vết trầy nhỏ. Tốt nhất bạn vẫn nên thay mới tại những trung tâm sửa chữa có uy tín.
Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau.
Xem thêm một số mẫu đồng hồ kính sapphire đang kinh doanh tại Thế Giới Di Động