Game Master (GM) là gì? Công việc thực tế và kỹ năng cần có

Đóng góp bởi Trịnh Hải Đức Đội ngũ biên tập chuyên trang Game App từ Thế Giới Di Động. 10/06/2021 0

Game Master (hay nhiều người còn gọi là Admin game) có lẽ chẳng còn xa lạ gì đối với các game thủ kỳ cựu của Việt Nam, tuy nhiên không phải ai cũng nắm được công việc này một cách chi tiết nhất. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng chúng mình tìm hiểu cặn kẽ về vị trí “ngàn người ao ước” nhé!

Game Master là gì?

I. Giới thiệu tổng quan về Game Master

Game Master hay với cách gọi ngắn gọn “GM” có thể được hiểu ngắn gọn là người trực tiếp chịu trách nhiệm về một sản phẩm trò chơi do công ty mà họ làm việc phát hành. Những người nắm giữ chức vụ này buộc phải có kỹ năng tương đối điêu luyện và kiến thức chuyên sâu về chính tựa game mà mình đang quản lý, đồng thời đóng vai trò như một “người phán xử”, đảm bảo giải quyết mọi tranh chấp đang diễn ra trong game.

Game Master được xem như những người vận hành game

Với số lượng các tựa game nhập vai kiếm hiệp, game thẻ tướng đang “mọc lên như nấm” tại thị trường nội địa, người ta sẽ thường nhắc về các Game Master như những người quản lý các sản phẩm thuộc thể loại kể trên ở Việt Nam. Vì những GM cũng mang vai trò của một người giám sát tiến độ phát triển của những “đứa con tinh thần”, một số công ty sẽ đề cập đến vị trí này với tên gọi Game Operation (Vận hành game).

Hình nền game Tiếu Ngạo Giang Hồ

Về tính chất công việc, một Game Master sẽ phải rèn luyện khả năng làm việc dưới một áp lực khá lớn song song với số lượng công việc dày đặc. Nếu không phải người trong cuộc, rất nhiều người sẽ mang “định kiến” về các GM như những con người “ăn không ngồi rồi”, “thảnh thơi chơi game nhưng vẫn có tiền” cũng như đưa ra rất nhiều nhiều giả định sai lệch liên quan đến vị trí này.

II. Các công việc của Game Master

Nhìn chung, công việc của một GM sẽ bao gồm việc giám sát các hoạt động đang diễn ra trên các máy chủ cũng như diễn đàn của tựa game mình quản lý, đồng thời luôn luôn túc trực điện thoại để giải đáp những thắc mắc và kiện cáo của người chơi. Theo đó, những nhà vận hành game sẽ phải tìm ra những lỗi hệ thống để kịp thời sửa chữa, nghiên cứu về thị trường để đề xuất những sự kiện thích hợp và cuối cùng là giải quyết các tranh chấp cũng như gian lận xuất hiện trong trò chơi.

Phân tích kỹ lưỡng để tìm ra thị hiếu của người chơi

Trong số những công việc nêu trên, giải quyết các vấn đề về xung đột và “táy máy” của các game thủ có lẽ là công việc quan trọng nhất, và cũng là căng thẳng nhất của các Game Master. Khi phát hiện ra một game thủ gian lận, việc áp dụng hình phạt “cấm cửa vĩnh viễn” sẽ gần như chắc chắn dẫn đến sự phẫn nộ từ phía người chơi, kéo theo đó là những lời lăng mạ, sỉ nhục hay thậm chí là đe dọa tính mạng mà “người phán xử” sẽ nhận được.

Sẵn sàng túc trực để giải đáp tư vấn của khách hàng

Có lẽ vì thế, một GM còn cần phải có sự dũng cảm, dũng cảm để trả lời một cách khéo léo và an toàn nhất, và để đối diện với những “hiểm họa” đang chờ đợi họ. Đồng thời, họ cũng phải học cách giữ bình tĩnh, sẵn sàng trả lời với mọi thắc mắc của người chơi. Trong số những câu chuyện được kể lại từ các GM kỳ cực, có người đã từng bị “những game thủ táy máy” tìm đến tận công ty đòi đánh vào lúc đêm khuya. Cũng may là hôm đó có rất nhiều người ở lại tăng ca nên đã không có chuyện gì xảy ra.

Cơ hội để các GM chia sẻ kinh nghiệm

Áp lực là thế nhưng công việc này cũng đem lại rất nhiều phần thưởng để những Game Master sẵn sàng nỗ lực và “chiến đấu tới cùng”. Đầu tiên là việc “trả lương theo năng lực”, có thể được hiểu đơn giản chính nếu bạn kiếm được càng nhiều doanh thu từ game bạn quản lý, lương của bạn sẽ càng cao. Thứ hai, cũng là yếu tố quan trọng nhất, chính là cơ hội được gặp gỡ, giao lưu và kết nối với những đàn anh đàn chị có kinh nghiệm trên khắp miền đất nước. Cũng nhờ đó, không chỉ có kỹ năng chuyên môn mà cả kiến thức về đời sống - xã hội của những GM cũng có thể được trau dồi và phát triển.

Nhìn lại những tựa game ngày xưa như Võ Lâm Truyền Kỳ PC, có thể nói cộng đồng của game không chỉ đơn thuần là tồn tại trong thế giới ảo mà đã phát triển thành một cộng đồng vững mạnh trong thế giới thực. Hoạt động của họ đã vượt ra khỏi màn hình máy tính, trở thành những buổi offline thu hút hàng trăm người, cùng sống trong một bầu không khí vui vẻ hòa hợp. Đó cũng có một phần không nhỏ sự đóng góp của các GM, để game không chỉ là game mà còn là một nơi mà những người có chung sở thích có thể tập hợp và cùng trao đổi ý kiến, sở thích bản thân.

III. Những yếu tố cần phải có để trở thành 1 game master giỏi

1. Có một niềm yêu thích lớn với game

Để vượt qua những sức ép nặng nề từ cả phía người chơi lẫn đơn vị mình làm việc, chỉ có hai chữ “đam mê” mới đủ để giúp các Game Master gắn bó tiếp với nghề. Có đam mê mới game, họ mới có động lực để tiếp tục tìm tòi, sáng tạo và thậm chí “hy sinh” đời sống cá nhân nhằm phát triển “tâm huyết” của mình.

Phải có niềm đam mê cháy bỏng để vượt qua áp lực

Người chơi của một tựa game có thể chiến đấu tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày, và không phải ai cũng có đủ sự “tỉnh táo” khi quyết định gọi điện thắc mắc hoặc kiện cáo về một vụ việc vừa diễn ra. Chính vì thế, chỉ cần một cuộc gọi, các GM thậm chí sẽ phải “vùng mình khỏi chăn ấm nệm êm” để xem xét xử lý sao cho hài lòng người gọi đến nhất có thể.

2. Thông hiểu thị hiếu game thủ

Kể từ lúc tựa game được đưa vào giai đoạn “hoàn tất thủ tục nhập cảnh”, các GM đã được (hoặc là phải) trải nghiệm trước tựa game nhằm dự đoán về thị hiếu hay kỳ vọng của game thủ nước nhà dành cho sản phẩm này. Chỉ khi đích thân đặt mình vào vị trí của các game thủ, những người vận hành mới biết được trò chơi đang thiếu chỗ nào, cần thay đổi điều chỉnh ở đâu để phù hợp với thị trường và văn hóa nội địa.

Phân tích và đề xuất các thay đổi cho thị trường

Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế còn phải đi kèm với sự nhạy bén nếu một Game Master muốn thực sự phát triển trên con đường sự nghiệp của mình. Cụ thể hơn, họ sẽ phải phát hiện được những yếu tố bất hợp lý, những “ngóc ngách” còn thiếu trên thị trường để từ đó sáng tạo ra những sự kiện nhằm “bù đắp” vào những lỗ hổng ấy, trước cả khi các game thủ kịp nhìn thấy.

3. Luôn tương tác với cộng đồng

Như đã đề cập ở trên, công việc của các Game Master không hề có quy định cụ thể về yếu tố giờ giấc, chính vì thế đòi hỏi những người quản lý phải luôn trong trạng thái sẵn sàng “trực chiến”. Đồng thời, việc luôn tương tác với cộng đồng mạng thông qua hệ thống kênh chat hay các diễn đàn về game sẽ giúp GM hiểu rõ hơn về tâm lý người chơi, biến sự tương tác trở thành công cụ để phân tích xu hướng thị trường.

Ở Việt Nam hiện nay, các GM thì trao đổi với người chơi thông qua trang và nhóm facebook của game. Toàn bộ các thông tin về các sự kiện, hoạt động trong và ngoài game đều được thông báo qua website và trang facebook chính thức của game. Hình thức diễn đàn như các game kiếm hiệp ngày xưa hiện tại cũng còn nhưng không nhiều, một phần do facebook phát triển mạnh và có độ tiện dụng cao hơn.

Những đoạn chat trong game

Ở từng khu vực, từng quốc gia đều sẽ có những văn hóa, phong tục tập quán và thị hiếu đặc trưng, đó là lý do vì sao họ cần rất nhiều các Game Master. Thông qua các cuộc giao tiếp, nhà vận hành game mới có thể đưa ra những thay đổi nhất định tương ứng với thị trường.

4. Khả năng xử lý tình huống nhanh nhạy

Trong các trò chơi thuộc thể loại nhập vai kiếm hiệp hay thẻ tướng nói chung, những game thủ sẽ hợp tác và kết nối với nhau theo mối quan hệ “cộng đồng bang hội”. Cũng vì vậy, việc xảy ra tranh chấp giữa là vô cùng thường xuyên, đòi hỏi sự hiện diện của một “quan tòa” mà mọi người đều phải nghe theo.

Các bang hội trong game Clash of Clans

Do đó, một Game Master sẽ cần phải rèn luyện khả năng nhạy bén, xử lý tính huống một cách thấu đáo, có những pha “nảy số” kịp thời để làm dịu người chơi. Đồng thời, những quyết định xử phạt hay khen thưởng cần phải được cân nhắc một cách kỹ lưỡng, công minh, đảm bảo sức nặng trong lời nói của “người cầm quyền”.

Cảnh báo khóa tài khoản đến từ game Võ Lâm Truyền Kỳ Mobile

Và tất nhiên, việc xử lý tình huống nhanh nhạy còn được áp dụng trong cả trường hợp bị người chơi đe dọa hay thậm chí là “động tay động chân”. Cần có những biện pháp phù hợp. giải thích thật thỏa đáng để người chơi khuất phục, hiểu được cái sai của mình.

Trên đây là những giải thích chi tiết về công việc Game Master cùng những kỹ năng cần có để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nếu có sức trẻ và niềm đam mê với trò chơi điện tử, hãy thử sức với vị trí “ngàn người mê” này nhé!

Đóng góp bởi Trịnh Hải Đức Đội ngũ biên tập chuyên trang Game App từ Thế Giới Di Động. 10/06/2021 0

Tin tức liên quan

Thảo luận về Bài tin