Laptop Dell được chế tạo tinh xảo từ hai chất liệu nhôm và kính trong khi vẫn giữ được sự chắc chắn vốn có của một thiết bị cao cấp. Ở trạng thái đóng, bạn sẽ không thể nhận ra được chiếc XPS mới so với những thế hệ cũ. Nhưng khi mở nắp máy lên, ngôn ngữ thiết kế độc lạ, hiện đại đến từ khu vực bàn phím và bàn di chuột sẽ khiến bạn thực sự mê mẩn.
Vẫn giữ nguyên được nét đặc trưng của dòng XPS với khối lượng nhẹ chỉ 1.26 kg cùng độ mỏng ấn tượng 15.28 mm mang tính di động cao, nhưng lại bị hạn chế về cổng kết nối. Máy chỉ được trang bị 2 cổng Thunderbolt 4 (USB-C) duy nhất ở hai cạnh bên, thậm chí còn không có Jack tai nghe 3.5 mm nên sẽ khá bất tiện khi cần truyền tải dữ liệu hoặc liên kết với thiết bị ngoại vi.
Mặc dù Dell tặng kèm cho người dùng một cổng chuyển đổi USB-C sang Jack tai nghe 3.5 mm và một cổng chuyển USB-C sang USB-A nhưng khi sử dụng thông thường, mình vẫn cần đến một chiếc HUB rời để có thể kết nối với máy chiếu hoặc màn hình rời ở một số trường hợp như cần xuất những số liệu báo cáo trong cuộc họp.
Điểm thiết kế gây ấn tượng đối với mình chính là thanh chức năng cảm ứng, đây không phải thanh Touch Bar có phần vô dụng trên những chiếc MacBook thế hệ cũ mà chính xác hơn đó là một “hàng phím chức năng cảm ứng điện dung” thay thế cho hàng phím chức năng vật lý trên các mẫu máy tính thông thường.
Đó là một hàng đèn LED bao gồm những tính năng mà mình có thể thao tác để tinh chỉnh nhanh các chỉnh số như độ sáng, âm lượng, tắt tiếng micrô, thoát, chèn,... Nhấn giữ Fn trên bàn phím sẽ thay đổi đèn LED thành các phím chức năng thông thường.
Tương tự trải nghiệm về Touch Bar của Apple, hàng phím chức năng trên Dell XPS 13 Plus không hỗ trợ phản hồi xúc giác, do đó mình không thể nhận biết được khi đã ấn nút hay chưa. Thêm một điểm mà mình không thích nữa đó là phím xóa cũng được tích hợp trên hàng phím chức năng này, nó gây bối rối và tạo cảm giác chưa được thật trong quá trình soạn thảo văn bản.
Khi mở Dell XPS 13 Plus lên, điều đầu tiên khiến mình thực sự bất ngờ chính là lối thiết kế “không bàn di chuột” hết sức độc đáo, chỉ có một dải kính liền lạc ở dưới khu vực bàn phím. Trên thực tế bàn di chuột vẫn nằm ở vị trí cũ, nhưng lại không được phân định rõ ràng và bạn buộc phải “lần mò” theo đúng nghĩa đen để sử dụng.
Ban đầu khi mới tiếp xúc mình có cảm giác bối rối khi nhìn vào khu vực bàn di chuột, nhưng trải nghiệm thực tế lại diễn ra vô cùng suôn sẻ bởi theo “bản năng” thì bàn di chuột mặc định đã nằm ở dưới khu vực bàn phím rồi.
Bàn di chuột đã được Dell cải tiến rất tốt nhờ cơ chế Haptic Touch mới, giả lập lực nhấn để phản hồi lại thao tác của người dùng, từ đó đem đến cho mình cảm giác thật hơn khi sử dụng, mọi cử chỉ như di vuốt, chạm đều có độ chính xác cao, một lời khen dành cho thiết kế và cấu tạo của chiếc bàn di chuột độc lạ này.
Khu vực bàn phím theo cảm nhận về mặt thị giác trông hết sức hiện đại và tinh tế nhưng lại không cho mình trải nghiệm gõ tốt nhất, các phím được làm phẳng hoàn toàn và tràn ra hai bên cạnh, gần như không có khoảng trống giữa các phím. Do đó khi gõ nhanh thường sẽ bị nhầm lẫn, bù lại hành trình phím khá sâu và có độ nảy tốt, phím gõ yên tĩnh.
Laptop Dell XPS mang trong mình sức mạnh của bộ vi xử lý Intel Core i7 1260P, hỗ trợ vận hành hoàn hảo mọi công việc văn phòng nâng cao trên Office hay Google, kết hợp với card Iris Xe với khả năng xử lý chuyên nghiệp các tác vụ chỉnh sửa hình ảnh, thiết kế poster, banner,... trên các ứng dụng đồ họa của nhà Adobe.
Mình đã đo thử hiệu năng bằng công cụ Cinebench R23 được hai con số 10624 điểm đa nhân và 1804 điểm đơn nhân, vượt trội hơn so với bộ vi xử lý Apple M2 khoảng 10%. Thoải mái cho mình sử dụng đối với các tác vụ nặng, thậm chí còn có thể chiến những tựa game thịnh hành ở mức cấu hình trung bình.
Qua một vài trận CS:GO, Dell XPS 13 Plus đạt trung bình khoảng 150 FPS nhưng lại dễ bị nóng lên đặc biệt là khu vực cạnh đáy, một điều dễ hiểu bởi lối thiết kế mỏng nhẹ đi kèm hiệu năng cao đến từ bộ vi xử lý Intel Gen 12.
Bộ nhớ RAM 16 GB chuẩn LPDDR5 mới nhất mang đến trải nghiệm đa nhiệm hết sức mượt mà nhờ tốc độ Bus cao lên đến 5200 MHz cũng như cơ chế chạy Dual Channel. Mình hoàn toàn có thể mở cùng lúc nhiều ứng dụng khác nhau như Photoshop, Chrome, Spotify, Line,... liên tục chuyển qua lại mà không gặp phải hiện tượng giật lag.
Không gian ổ cứng SSD 512 GB chuẩn NVMe PCIe đủ lớn cho mình lưu trữ các tài liệu về công việc cũng như giải trí, tốc độ truy xuất dữ liệu cao nên mọi thao tác trên ứng dụng hay thời gian khởi động máy đều nhanh chỉ trong vài giây.
Dell trang bị cho XPS 13 Plus màn hình 13.4 inch với thiết kế viền siêu mỏng ở tất cả các cạnh, tạo cho mình không gian đủ lớn để làm việc và giải trí. Độ phân giải 3.5K (3456 x 2160) trên tấm nền OLED thể hiện hình ảnh sống động, màu đen sâu, các màu sắc khác cũng được tái tạo chân thực và nịnh mắt.
Màn hình có độ sáng cao lên đến 400 nits đảm bảo nội dung luôn được hiển thị sắc nét kể cả khi mình đem máy ra quán cà phê hay ngồi ở bàn làm việc gần cửa sổ. Thông số màu sắc mà mình đo đạc được bằng công cụ Spyder 5 Pro là 100% sRGB và 92% DCI-P3, đáp ứng tốt cho nhu cầu giải trí cũng như làm việc với hình ảnh hay dân chuyên đồ họa cần chỉnh sửa màu sắc chuyên nghiệp.
Đồng thời màn hình cũng hỗ trợ cảm ứng đa điểm giúp mình thao tác sử dụng dễ dàng hơn không cần dùng đến chuột. Mình chỉ hơi tiếc một chút khi tần số quét của màn hình chỉ dừng lại ở con số 60 Hz, nó không ảnh hưởng đến trải nghiệm nhưng nếu tăng lên 90 Hz hay 120 Hz kết hợp với những thông số ấn tượng ở trên nữa chắc chắn sẽ khiến cho người dùng mê mẩn khi sử dụng.
Laptop được trang bị hai loa tweeter nằm dưới bàn phím và hai loa ở dưới phần đế, mang đến chất lượng âm thanh tuyệt vời với âm sắc to rõ, không bị méo tiếng khi mở ở mức âm lượng tối đa, đáp ứng tốt cho nhu cầu nghe nhạc hoặc xem phim giải trí.
Tóm lại, Dell XPS 13 Plus 9320 i7 (5CG56) gây ấn tượng bởi lối thiết kế độc đáo, khác lạ so với các sản phẩm ngoài thị trường, bên cạnh đó là hiệu năng mạnh mẽ đến từ bộ vi xử lý Intel Gen 12 và màn hình OLED hiển thị đẹp mắt, một thiết bị chắc chắn sẽ làm hài lòng mọi đối tượng người dùng, kể cả những doanh nhân khó tính nhất.
Xem thêmLiên hệ 1900 232 460 để được tư vấn (8:00 - 21:30)
↑